Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Entry for June 15, 2008 Nhớ lại

Những năm 78-85 cuộc sống thật kinh hoàng, tất cả theo chế độ tem phiếu, khi vào Sàigòn là gia đình tôi đã đỡ hơn nhiều cái khoản đi xếp hàng mua cá thịt từ ba, bốn giờ sáng như ở Hà nội.
Thế nhưng sự dễ chịu ấy cũng chỉ kéo dài từ năm 75-77, bắt đầu năm 78 bắt đầu chế độ áp dụng phân phối tràn vào đất Sài gòn. Sáng 6 giờ tôi phải thức dậy cầm cái sổ hộ khẩu để ra quầy bánh mì nằm ở chợ sài gòn để lãnh 4 cái bánh mì theo số nhân khẩu trong sổ (bốn người) thay vì gạo trước đó được 13 kg thì còn có 9 kg/ người tháng, ăn bánh mì thay, một thời gian sau, bánh mì cũng không còn, gạo chỉ còn có 5 kg/người tháng và phát thêm mì sợi đâu 6 hay 7 kg . Chúng tôi những đứa trẻ đang lớn dù mì nhão toẹt khi nhúng nước và hôi ùm mùi gián, chúng tôi vẫn phải tọng vào mồm để lấp đầy cơn đói. Bắt đầu ăn dừa kho thay thịt cá vì không được bán ở chợ như những năm trước. Mẹ tôi hay được bán phân phối đậu phộng và vừng, mẹ làm một hũ muối vừng mặn chằng để ăn dần. Ba tôi hết được cái thú vui ăn canh chua cá bông lau mà khi gia đình mới vào hay nấu. Chúng tôi sống lay lắt bởi ba mẹ chúng tôi không phải là những người nắm chức vụ này nọ, và họ liêm khiết sạch sẽ đến ngu ngơ! Tôi còn nhớ có một ngày gần Noel hay là Noel, một chú trong cơ quan của mẹ dấm dúi nuôi gà và chú ấy cũng dấm dúi tặng mẹ một con gà to lắm nhân ngày lễ, mẹ tôi luộc con gà lên, nước thì nấu cháo, vì không dám xài hoang phí gạo. Cha Mẹ tôi ngồi nhìn hai chị em tôi ăn thịt gà nhồm nhoàm, ngon lành cha mẹ tôi bảo khi nào khấm khá sẽ mua cho mỗi người một con gà để luộc ăn, cầm trên tay xé cho thoả thích. Ước mơ ấy chưa thực hiện được thì tiêu chuẩn gạo tụt xuống còn 3kg/tháng và thay mì bằng bo bo có vỏ ( loại bây giờ tôi mới biết là loại để cho ngựa ăn ở Trung quốc, Liên xô) Cha tôi ngày ngày đạp cái xe đạp Phượng Hoàng vào tận trường Bách khoa Phú thọ để đi dạy học trò, với gô cơm bo bo treo tòn ten ở ghi-đông xe đạp. Ngày ấy cả một xã hội đói như nhau, trừ các ông lãnh đạo đất nước, các ông ấy phải ăn no, ăn đủ, ăn thừa để có đủ sức lãnh đạo đất nước từ tự do cơm gạo của miền Nam đến chỗ toàn dân ngấp nghé cái đói giữa vựa lúa của Đông Nam Á.
Ngày ấy còn bé, nhưng tôi đã ghét ông Lê Duẩn, bởi những cái chính sách áp đặt hà khắc của ông ta lên toàn dân tộc, cái ghét ấy chỉ là một cảm nhận ghét của một đứa trẻ mười mấy tuổi. Ông ấy chết, tôi nhảy cẫng lên mừng, vì Sài gòn bắt đầu có gạo ăn thoải mái. Lúc ấy tôi cũng chả biết ai đang làm chủ tịch Sài gòn, Nhưng có lẽ hồi ấy Sài gòn đã phá rào cản của chính phủ để cho dân có gạo ăn.
Ông Linh, ông Kiệt lên đất nước vừa qua kỳ đổi tiền, nhưng chúng tôi đã có thể được mua thịt cá công khai ở chợ, chợ búa bắt đầu tấp nập hơn, không còn cái cảnh phải đi mua thức ăn dấm dúivà ăn dấm dúi nữa. Cha tôi thì đã mất, ước mơ mỗi người một con gà của cha không thực hiện được khi cha tôi còn sống. Mẹ con tôi cố gắng chăn nuôi thêm heo gà, căn nhà nhỏ phải chia ra để phần cho gà và heo, gia súc nuôi mẹ con chúng tôi được bán ở chợ, không còn bị bắt buộc đem bán cho hợp tác xãvới giá nhà nước quy định nữa. Chúng tôi còn được ăn trứng gà nhà đẻ sau khi bán còn dư.
Thật sự ông Linh và ông Kiệt đã đem lại luồng khí mới cho dân Sài gòn sau gần chục năm gian khổ dưới thời ông Lê Duẩn.
Ngồi ngẫm nghĩ lại về định nghĩa chữ “PHẢN ĐỘNG” thì rõ ràng ông Lê Duẩn là người PHẢN ĐỘNG NHẤT vì ông ta mà xã hội Việt nam bị trì trệ mấy chục năm trời. Nhưng không ai bảo là phản động cả, vì một thế lực nào đó, mà chỉ gọi đó là sai lầm. Ông Linh và ông Kiệt đã đem trả lại cho nhân dân cái tối thiểu mà họ có quyền được có, thì được gọi là đổi mới.
Dù sao cũng cám ơn hai bác ấy. Hai bác ấy đã quá dũng cảm để trả lại cho dân Sài gòn và nhân dân cả nước cái quyền được đủ ăn đủ mặc.
Giá như NTD trả lại cái quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí cho nhân dân thì xã hội này còn tiến nhanh hơn nữa, và đó cũng chính là một động lực để giúp cho nhân dân cùng chính phủ vượt qua giai đoạn khủng hoảng lạm phát này.
Một phút mặc niệm cho bác Kiệt- bình an nơi vĩnh hằng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét