Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2008

nền kinh tế phát triển

Chủ Nhật, 17/02/2008, 03:32 (GMT+7)

Chuyến hàng cứu trợ đầu tiên đến Quảng Bình:

Mong manh những phận đời trong giá rét

TT - Trưa 15-2, báo Tuổi Trẻ đã đưa chuyến hàng cứu trợ khẩn cấp đầu tiên gồm 100 bộ quần áo ấm, vượt hơn 180km đường đến với trẻ em nghèo tại bản Ka Ai, xã Dân Hóa, huyện miền núi rẻo cao Minh Hóa (Quảng Bình).

Mấy ngày nay các em được nghỉ học ở nhà sưởi ấm vì trời quá rét. Khi chúng tôi đến, anh Đinh Gia Tuyết - bí thư Huyện đoàn Minh Hóa - phải nhờ cô giáo Phan Thị Thanh Thìn tới từng nhà gọi các em ra trường học nhận quần áo ấm. Nhiều em trong giá rét 10-11OC nhưng vẫn phong phanh manh áo mỏng. Giá lạnh vậy mà nhiều em trai chỉ mặc quần đùi.

Cái rét miền rẻo cao làm da thịt chúng tím tái cả lại thấy thương quá. Mặt đất lạnh như băng nhưng nhiều em vẫn đi chân đất. Cô giáo Thìn nói trong nỗi buồn: "Quanh năm các em đều như rứa cả. Với các em, mùa lạnh cũng như mùa hè, chỉ duy nhất bộ quần áo mặc đi mặc lại. Nhiều nhà buổi sáng chị đi học, buổi trưa về cởi bộ áo quần lành ra cho em mang đi... Tội nghiệp lắm".

Người dân bản Ka Ai như đổ ra hết trên sân trường để xem con cái mình có tấm áo mới trong tiết trời giá lạnh. Ai cũng mừng ra mặt. Nhiều người vội vàng khoác tấm áo ấm mới dày hơn lên mình con như cố bù lại những ngày chúng phải chịu đựng giá rét. Người thì gọi con về kêu anh, em ra nhận. Cô bé Hồ Thị Khao (5 tuổi) và Hồ Thị Táo (7 tuổi) cứ mân mê bộ áo quần mãi. Bé Hồ Thị Làn đến nhận quần áo mới trong chiếc áo mỏng manh loang lổ màu úa và chiếc quần ngắn cũn, người run lên trong giá rét và gió núi thổi ù ù. Anh Hồ Thái, bí thư Xã đoàn Dân Hóa, thấy cảnh các em mặc ngay bộ áo quần vào người để chống rét đã thốt lên: "Mấy tuần rồi trời rét lắm, nếu các em có được bộ quần áo như ri mà mặc thì đỡ biết mấy. Nay thì may quá rồi".

Anh Đinh Nhâm dắt con trai ra nhận áo quần cũng thấy vui lắm. Anh bảo: "Miềng chộ (mình thấy) rứa cũng ưng cái bụng thiệt rồi. Mai mốt con miềng có áo mới ấm để đi học lại. Mấy hôm ni nghỉ vì lạnh rồi". Cu cậu được anh Nhâm mặc ngay bộ áo quần mới. Thích quá, cậu cứ chạy quanh khoe với bạn, dù các bạn cũng đang mang trên mình áo mới.

Chị Hồ Thị Vẻ, chân ướt chân ráo từ nương về, cũng kịp kéo theo hai con nhỏ ra nhận áo. Anh Thái cho biết chị Vẻ là người nghèo khổ nhất trong bản Ka Ai, một mình chị phải làm lụng nuôi bốn con nhỏ. Bé Nịm theo mẹ đứng quẩn bên hông, run lập cập. Bé chỉ mặc một cái áo mỏng, đứt gần hết nút và không có quần. Chị Vẻ bảo: "Miềng không có ăn, có tiền mô mà mua quần áo đẹp cho con mặc".

Cô giáo Thìn tay trao áo, tay trao quần cho lũ trẻ, rưng rưng nước mắt nhìn các em xúm xít. Cô cho biết: "Trước tết trời lạnh quá, thương các em nên tôi đi xin được hai bao áo quần cũ về phát. Cái rách, cái lành mà cũng không đủ”. Ka Ai đã có quần áo ấm mới. Nhưng Ka Ai ngoài, Ka Ai trong, Si, Lòm, Cha Káp, Pa Choong, Bãi Dinh, Cha Lo... chưa có. Các em đang phải chống chọi cái rét như cắt dao vào da thịt bằng những tấm áo mỏng manh và cái ăn chưa đủ no mỗi ngày.

Tại bản Ka Định, anh Hồ Voóc ngồi trầm tư bên bếp lửa. Quây bên anh là hai con nhỏ. Nhà anh Voóc nghèo lắm. Trong căn lều tranh không có một thứ gì đáng giá... 50.000 đồng! Nhà nghèo nên hai đứa con anh chưa mấy lần được mặc áo quần mới trong đời. Chúng chỉ khoác hờ những tấm áo vá lem nhem đi học. Anh Voóc nhìn con trai đang ngồi hóng chuyện, nói thêm: "Nó cũng đòi mua áo quần để đi học, nhưng miềng mần chi có tiền để mua, chịu thôi".

LAM GIANG

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=243254&ChannelID=3

Vâng! Nền kinh tế Việt nam đang phát triển vượt bậc như các đồng chí lãnh đạo vẫn phát biểu trên Tivi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét